Công cụ kiểm tra chất lượng bản in CTPHiện nay, nhiều nhà in ở Việt Nam đã đầu tư hệ thống chế bản CTP. Sử dụng công cụ, phương pháp nào để kiểm tra, đánh giá chất lượng bản in CTP? Có thể kiểm tra, đánh giá chất lượng ghi bản CTP dễ dàng bằng mắt thường cho cả tram in AM truyền thống và tram in tiên tiến FM, XM (Hybrid) mà chưa cần dùng đến các thiết bị đo hiện đại được không?

Sau đây, chúng tôi giới thiệu công cụ kiểm tra chất lượng bản in CTP-Tools phiên bản 2.0 (CTP-Tools version 2.0) của Heidelberg.

I. Mục đích, yêu cầu & phạm vi áp dụng CTP-Tools.

Như chúng ta biết, chất lượng tờ in phụ thuộc rất nhiều yếu tố: bản in, giấy in, các điều kiện sản xuất trên máy in… Tất cả các yếu tố trên cần phải được kiểm soát, trong đó điều kiện đầu tiên, tiên quyết, là chất lượng bản in phải đảm bảo các thông số theo các tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng (VD: theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 12647 hay theo tiêu chuẩn kỹ thuật nội bộ).

Trong quá trình chế bản, khi điều kiện môi trường (nhiệt độ, độ ẩm…) đã tối ưu để giảm thiểu các tác động ảnh hưởng xấu đến chất lượng bản in và mặc dù chỉ dùng một loại kẽm của một nhà cung cấp, thì chất lượng bản in cũng có thể thay đổi theo từng lô kẽm xuất xưởng và thay đổi do các điều kiện ghi và hiện bản không ổn định (hóa chất và nhiệt độ hiện bản thay đổi các tính chất hóa lý, năng lượng ghi bản giảm do đầu ghi bị bụi bẩn…). Tóm lại, để bảo đảm chất lượng bản in CTP luôn ổn định cần có công cụ đánh giá chất lượng và sử dụng thường trực cho mọi bản được tạo ra.

CTP-tools là dải kiểm tra chất lượng bản in (the plate control strips) dạng kỹ thuật số được Heidelberg thiết kế dùng trong các chu trình chế bản điện tử (PostScript/PDF workflow). Đây là một công cụ giúp đảm bảo chất lượng chế bản CTP khi sử dụng các hệ thống chế bản do Heidelberg cung cấp. Điều này thực hiện bằng cách đặt dải kiểm tra bản in CTP-Tools cho từng mẫu khuôn in (plate template) ở ngoài vùng chỉ thị giấy in khi bình trang điện tử như các dấu ký hiệu (marks) bình trang khác.

Lưu ý: Các dải kiểm tra CTP-tools đặt thường trực cho từng bản in nhưng không nằm ở vị trí thiết bị quét bản kẽm (EPS) cần xác lập điểm "0" (zero) khi quét bản.

Máy ghi bản CtcP 710f2 BaysPrint

Máy ghi bản CtcP 710f2 BasysPrint

II. Các dạng dữ liệu của CTP-tools.

Dải kiểm tra bản CTP có rất nhiều biến thể, phù hợp cho từng loại bản CTP khác nhau.
Ngoại trừ các dải kiểm tra bản dùng chung (universal plate control strips) có thể đánh giá chất lượng của mọi loại bản in (đánh giá các tính chất, yêu cầu thông thường), Heidelberg đưa ra các dải kiểm tra đặc biệt, thiết kế riêng cho từng loại bản và máy ghi, muốn dùng được cần phải mua thiết bị bảo vệ (dongle-protected device) và mã khóa phần mềm (lisenced-software key). Nếu không có những thứ này, khi thực hiện tram hóa dữ liệu (RIPing), sẽ nhận được thông báo dải kiểm tra bản không có tác dụng. Dữ liệu ghi bản vẫn được tram hóa nhưng dải kiểm tra không hiện ra trên bản như mong muốn mà hiện lên thông báo:

“plate control strips only displayed with appropriate Heidelberg dongle option being enabled”.

Dải kiểm tra bản CTP của Heidelberg hỗ trợ kiểm tra tới 12 bản tách màu (4 process colors + 8 spot colors). Kích thước dải kiểm tra là 360mm x 12mm.
- 4 màu cơ bản (Process colors) có ký hiệu như thông thường: Cyan-C, Magenta-M, Yellow-Y, Black-K.
- 8 màu pha (spot colors) có các ký hiệu: X, Y, U, V, S1, S2, S3, S4. Việc gán (mapping) các màu này là tự động hoặc có thể thực hiện theo ý muốn từ các phần mềm ứng dụng.
Có 4 dạng dữ liệu cho mỗi loại dải kiểm tra bản:

• Plc2.0 “name”_12C.eps

Dải kiểm tra dạng này dùng cho chu trình chế bản với dữ liệu PostScript tách màu trên RIP (composite PostScript workflow). Chúng được thiết kế để dùng trong phần mềm bình trang SignaStation 9.0 của Heidelberg hoặc phần mềm bình trang độc lập (third-party imposition software) cũng như bình trang trực tiếp từ ứng dụng như QuarkXpress.
Nếu dùng SignaStation 9.0 để bình trang cho chu trình chế bản “Composite PDF Workflow” thì cũng lấy dải kiểm tra dạng này.

Plc2.0 “name”_BW.EPS

Dải kiểm tra dạng này được thiết kế cho phần mềm bình trang SignaStation 9.0 làm việc trong chu trình chế bản với mọi dạng dữ liệu chế bản đã tách màu trước.

• Plc2.0 "name”_12C.PDF

Dải kiểm tra dạng này dùng cho phần mềm bình trang Prinect SignaStation (không dùng cho SignaStation 9.0) và các phần mềm bình trang độc lập trong chu trình chế bản với dữ liệu là PDF tách màu trên RIP (Composite PDF Workflow).
Ở các phiên bản trước (CTP-Tools version <2.0), phần mở rộng của định dạng dữ liệu dải kiểm tra này là “main”.

• Plc2.0 “name”_12C.pre

Dải kiểm tra dạng này dùng cho phần mềm bình trang Prinect SignaStation (không dùng cho SignaStation 9.0) và các phần mềm bình trang độc lập với dữ liệu chế bản là PDF hay Delta List đã tách màu trước RIP (separated PDF workflow & separated Delta List workflow).

Máy CtP PlaletPrite FX1524 của Screen

Máy CtP PlaletPrite FX1524 của Screen

III. Các chức năng cụ thể của CTP-Tools

Như đã trình bày, chức năng chính của CTP-Tools là kiểm tra chất lượng và đánh giá độ ổn định chất lượng ghi & hiện bản CTP với độ chính xác cao bằng quan sát. Sau đây, chúng ta tìm hiểu từng loại dải kiểm tra, giải thích các dấu ký hiệu trong các ô kiểm tra chức năng, cách sử dụng chúng để đánh giá chất lượng bản in CTP.

1) Các dải kiểm tra bản dùng chung

Các dải kiểm tra này được thiết kế để có thể làm việc cho cả các thiết bị RIP không do Heidelbeg sản xuất (third-party RIPs – nhà sản xuất thứ 3). Những gì có thể gây nên những sự cố không phù hợp sẽ được bỏ đi. Để sử dụng chúng, không cần thiết bị mã khóa bảo vệ (dongle-protected) và không cần thay đổi cho phù hợp (customized) với các thiết bị ghi cụ thể hay các loại bản in khác nhau. 

 

Hình 1: Dải kiểm tra bản in CTP-Tools

Hình 1: Dải kiểm tra bản in CTP-Tools

Sắp xếp các thành phần của dải kiểm tra (Plate control Strip Layout):

Dải kiểm tra gồm rất nhiều phần tử chức năng, được bố trí từ trái qua phải như sau:
- Panel đầu tiên cho biết thông tin bản in được ghi trên máy nào, tên loại bản kẽm sử dụng, ký hiệu bản tách màu:

Hình 2: Panel chức năng đầu tiên của CTP-Tools.

Hình 2: Panel chức năng đầu tiên của CTP-Tools.

– Panel tiếp theo là một trong những panel chức năng quan trọng nhất giúp chúng ta đánh giá chất lượng ghi & hiện bản.

Hình 3: Panel kiểm soát chất lượng và độ ổn định ghi, hiện bản.

Hình 3: Panel kiểm soát chất lượng và độ ổn định ghi, hiện bản.

Panel này bao gồm một dải tầng thứ dùng để so sánh (comparison scale) gồm nhiều ô tram thô kích thước hình học 8 mm, có bước chuyển tông 2,5%, và dải tram mịn (fine screen) có tông đồng nhất dùng để đánh giá sự thay đổi tầng thứ tram vùng mid-tone khi điều kiện ghi và hiện bản thay đổi.

Khi thiết bị ghi bản đảm bảo yêu cầu ghi tram tuyến tính và điều kiện hiện bản được kiểm soát tốt, quan sát bằng mắt thường ta thấy các ô tam giác tram mịn nửa bên trái của panel sẽ có tông đậm hơn các ô tram thô dải so sánh, còn các ô tam giác nửa bên phải sẽ nhạt hơn. Vị trí tối ưu là ô tam giác tram mịn và ô tram thô dải so sánh cùng tông (match) ở chính giữa panel:

Hình 4: Vùng làm việc tối ưu

Hình 4: Vùng làm việc tối ưu

Để có hiệu ứng như trên là do cấu trúc tram của 2 dải tram này:
Dải tram mịn có cấu trúc tram hình vuông. Diện tích che phủ mỗi điểm tram là 3×3 pixels trong ô tram 4×4 pixel.
Ô tram thô có cấu trúc tram đường kẻ (dạng zigzag hoặc kẻ thẳng ngang, kẻ thẳng đứng). Các ô tram kế tiếp nhau có trị số tông thay đổi 2,5% (tăng dần từ trái qua phải) bằng cách thay đổi bề rộng đường kẻ tram. Ô tram thô ngoài cùng bên trái có trị số tông nhỏ nhất gồm các đường tram có bề rộng 7 pixels gấp hơn hai lần kích thước hạt tram mịn.

Minh họa cấu trúc ô tram thô và dải tram mịn.

Hình 5: Minh họa cấu trúc ô tram thô và dải tram mịn.

Rõ ràng, khi điều kiện ghi hay hiện bản thay đổi thì trị số tầng thứ (%) của dải tram mịn sẽ thay đổi nhiều hơn hơn dải tram thô. Nếu như thay đổi này nhỏ thì phần tram thô coi như không bị ảnh hưởng (quan sát không thấy hề hấn gì), trong khi dải tram mịn thay đổi rõ rệt. Kết quả là vị trí cùng tông (match) của ô tam giác (dải tram mịn) và dải tram so sánh sẽ dịch chuyển tương ứng tới một ô tram thô nào đó. Nếu  xảy ra bay tram (kích thước che phủ hạt tram trên bản giảm), ô tam giác sẽ nhạt đi và cùng tông với một ô tram thô phía bên trái của dải so sánh, và ngược lại.
Chất lượng ghi và hiện bản được coi là ổn định, chấp nhận được khi quan sát mắt thường thấy ô tam giác cùng tông với dải tram so sánh trong giới hạn 3 ô tram thô nằm giữa panel (kích thước 2,4 cm) khi thực hiện ghi tram tuyến tính.
Như đã trình bày ở trên, mỗi ô tram thô kế tiếp có trị số tầng thứ tram thay đổi 2,5% nên dựa vào sự dịch chuyển vị trí cùng tông của ô tam giác là bao nhiêu ô và so sánh với khi điều kiện làm việc tối ưu ta có thể định lượng được tầng thứ tram trên bản thay đổi bao nhiêu phần trăm. Thực tế kiểm nghiệm bằng thiết bị đo cho thấy khi ô tam giác dịch sang một ô tram thô kế tiếp, trị số tầng thứ tram thay đổi 1% với tram AM có với tần số tram xuất là 60 l/cm (150lpi) hoặc thay đổi 3% với tram FM có kích thước tram in nhỏ nhất 20 micron (300 lpi).

– 5  panel kế tiếp được thiết kế đặc biệt để đánh giá chất lượng ghi bản theo các cách khác nhau:

Hình 6: Các ô chức năng đánh giá chất lượng ghi bản.

Hình 6: Các ô chức năng đánh giá chất lượng ghi bản.

Panel đầu tiên đánh giá hình dạng điểm ảnh ghi được của tia laser (pixel geometry) gồm 4 ô vuông dạng tram đường kẻ (kẻ đứng, kẻ ngang, kẻ chéo 45 độ và kẻ chéo 135 độ).

Hình 7: Ô kiểm tra ghi bản đối xứng

Hình 7: Ô kiểm tra ghi bản đối xứng

Nếu hình dạng pixel cân xứng theo 2 chiều quét x, y thì cả 4 ô tram cùng trị số tông quang học (optical tonal value). Nếu 4 ô tram có trị số tông khác nhau thì việc ghi là không đối xứng.
Trong thực tế, hình dạng pixel mất đối xứng nhẹ có thể chấp nhận. Tuy nhiên, đây cũng chính là một nguyên nhân gây nên sự cố tram in bị nhòe hoặc tạo bóng khi in.

Panel thứ hai đánh giá khả năng ghi tram tuyến tính của hệ thống ghi bản tại điểm tram 50% (mid-tone), bao gồm 4 ô tram (checkerboard patterns) có hạt tram dạng hình vuông cùng trị số tông nhưng kích thước khác nhau (1×1, 2×2, 4×4 và 8×8 pixels):

Hình 8: Các ô kiểm tra ghi tram tuyến tính của hệ thống ghi bản

Hình 8: Các ô kiểm tra ghi tram tuyến tính của hệ thống ghi bản.

Để kiểm tra & đánh giá chính xác mức độ ghi tram tuyến tính, ta phải dùng kính lúp (độ phóng đại 50 lần trở lên). Do hạt tram là hình vuông, nếu ghi tram tuyến tính tuyệt đối (trị số tram trên file là 50% thì trị số tram trên bản cũng là 50%) các ô vuông này chỉ vừa chạm đầu nhau. Nếu quan sát mắt thường, trong trường hợp này cả 4 ô tram phải cùng một tông màu xám, ô tram có kích thước hạt tram nhỏ không nhạt hơn ô tram có kích thước hạt  tram lớn.

Nếu có khe hở trắng giữa các ô đen (diện tích vùng không bắt mực lớn hơn) tức là dot gain trên bản nhận giá trị âm (bay tram). Còn nếu các ô đen gối đầu nhau một phần (kích thước hạt tram lớn lên) tương ứng với việc gia tăng tầng thứ trên bản in (dot gain trên bản dương).

Lưu ý: Trong thực tế sản xuất, không nên ghi tram tuyến tính một cách tuyệt đối, ví dụ đối với bản Positive ứng với điểm tram 50% trên file thì trên bản sau khi hiện còn 48% là chấp nhận. Điều này để đảm bảo in theo công nghệ CTP giống như khi chúng ta sử dụng bản in truyền thống. Heidelberg thiết kế dải kiểm tra CtP-Tools để nếu ô tam giác nằm ở chính giữa vùng làm việc tối ưu thì đã đáp ứng yêu cầu thực tế này (trong 3 ô vùng làm việc tối ưu, vị trí cùng tông thực sự giữa dải tram mịn và dải thang tầng thứ so sánh là ô bên phải chứ không phải ô chính giữa). 

Hai panel thứ ba và thứ tư gồm các ô tram đường kẻ đứng và kẻ ngang cũng dùng để đánh giá máy ghi bản có đảm bảo ghi tram đối xứng và tuyến tính hay không:

Hình 9: Các ô kiểm tra chức năng đúp: ghi tram đối xứng và tuyến tính.

Hình 9: Các ô kiểm tra chức năng đúp: ghi tram đối xứng và tuyến tính.

4 đường tram kẻ đứng và 4 đường tram kẻ ngang trong mỗi ô có bề rộng là 1, 2, 3 và 4 pixels. Mỗi đường kẻ tram gồm 2 phần: một nửa là dương bản (positive) một nửa là âm bản (negative).
Nếu việc ghi bản là tuyến tính và đảm bảo tính đối xứng thì các đường dương và âm cả hai ô tram có cùng kích thước bề rộng từng cặp. Nếu kích thước bề rộng đường tram các phần dương và âm khác nhau thì việc ghi là không tuyến tính. Việc ghi không đảm bảo tính đối xứng 2 chiều nếu bề rộng các đường kẻ tram từng cặp ở 2 ô tram khác nhau.

Panel thứ năm là ô chữ Times có kích thước font là 0.5, 1, 2 và 4 point được ghi ở 2 chế độ dương bản và âm bản để đánh giá độ phân giải bản kẽm cũng như đánh giá ghi tram không đối xứng và ghi tram không tuyến tính.

– Panel dùng để đánh giá tầng thứ tram vùng sáng (Highlights) và vùng tối (Shadows) như truyền thống gồm 3 phần : phần trên gồm 5 ô tram vùng sáng, phần giữa gồm 5 ô tram vùng tối và phần cuối cùng gồm 5 ô ghi trị số tram tương ứng của các ô tram Highlights và Shadows phía trên. Dùng kính lúp thông thường để kiểm tra.

Hình 11: Các ô dùng kính lúp để quan sát tầng thứ vùng sáng và tối.

Hình 11: Các ô dùng kính lúp để quan sát tầng thứ vùng sáng và tối.

– Tầng thứ tram hình ảnh ghi trên bản vùng còn lại được kiểm tra, đánh giá trên 12 ô tram theo các trị số như sau:
Trong đó ô “solid ink” và “plate background” có thể dùng để hiệu chỉnh thiết bị đo.
Các ô tram hàng trên cho kết quả trị số tram khi có canh chỉnh hệ thống ghi bản. Các ô tram hàng dưới là trị số tram không có canh chỉnh thiết bị. Các số 20, 40, 50, 60, 80 là các trị số tram (%) của các ô tram.

Hình 12: Các ô tram dùng để kiểm tra bản bằng thiết bị đo.

Hình 12: Các ô tram dùng để kiểm tra bản bằng thiết bị đo.

Các thông tin về tram in ghi bản (xuất xứ, loại tram, tần số quét tram, góc tram, hình dạng tram, độ phân giải thiết bị…) hiện ra ở panel tiếp theo:

Hình 13: Thông tin về tram ghi bản

Hình 13: Thông tin về tram ghi bản

Các ô cuối cùng của dải kiểm tra bản cho biết thông tin về việc thực hiện bù sai lệch tram để đảm bảo tuyến tính ghi tram của thiết bị, bù dot gain trên tờ in (linearization & process calibration) và ngày, giờ ghi bản.

Hình 14: Thông tin ngày, giờ ghi bản

Hình 14: Thông tin ngày, giờ ghi bản

Trên ô hiển thị thông tin canh chỉnh thiết bị (calibration curve), đường chấm chấm nét màu trắng là dạng đường cong bù dot gain tờ in (process calibration) còn vùng màu đen cho biết hiệu ứng  thay  đổi tầng thứ  trên bản. Trị số thay đổi tầng thứ xác định theo tỉ lệ  ghi bên ô bên cạnh (scale).

2) Dữ liệu mẫu để kiểm tra chất lượng bản in CTP (test form)

Heidelberg cung cấp 2 dữ liệu mẫu kiểm tra chất lượng bản CTP dưới dạng file PDF trong CTP-test folder. Hai mẫu này có kích thước trang in là 880mm x 630mm và 650 mm x 450 mm.
Sử dụng các mẫu này chúng ta có thể đánh giá chất lượng bản in, chất lượng tờ in một cách tổng quát và đo đạc các thông số cần thiết để thiết lập các đường cong bù dot gain.

Các mẫu in chuẩn để đánh giá toàn diện chất lượng ghi bản và in trên giấy.

Hình 15: Các mẫu in chuẩn để đánh giá toàn diện chất lượng ghi bản và in trên giấy.