Dot gain và hiệu chỉnh dot gain trong chế bảnDot gain là thuật ngữ được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, tại sao phải bù dot gain (calibration) và hiệu chỉnh dot gain như thế nào không phải ai cũng hiểu chính xác và làm được. Chúng tôi hy vọng qua bài viết này mọi người sẽ thống nhất cách hiểu về dot gain làm cơ sở cho việc canh chỉnh thiết bị để hiệu chỉnh dot gain như ý muốn. 

1. Khái niệm về dot gain
Dot gain là sự thay đổi kích thước hạt tram trong các quá trình phục chế, tái tạo bài mẫu trong chế bản và in. Đây là một thuộc tính đương nhiên, một “sự cố” kỹ thuật phải chấp nhận, chỉ có thể kiểm soát chứ không thể loại trừ hoàn toàn. 
Chúng ta xem xét các bước trong quá trình phục chế dưới đây.
 Image
Tóm tắt :
- Dữ liệu chế bản là file Postscript (PS/PDF file). Các điểm ảnh được gán các giá trị thang xám (gray value) từ 0 – 100% cho từng màu.
- Quá trình tram hóa dữ liệu Postscript được thực hiện bởi thiết bị RIP. Khi thực hiện tram hóa, RIP sẽ đọc các giá trị phần trăm định nghĩa trong dữ liệu Postscript và tạo ra các điểm tram có kích thước che phủ ô tram tương ứng. Ví dụ, nếu tín hiệu đầu vào là 50% thì RIP sẽ phải tạo ra một điểm tram để ghi có kích thước che phủ 50%  ô tram (kích thước hình học phụ thuộc theo tần số tram kết xuất).
 
Image 
- Dữ liệu sau khi được tram hóa (bitmap) sẽ điều khiển các thiết bị ghi phim, ghi bản hay in thử… Mỗi điểm tram sẽ được hình thành bởi một số laser dot (điểm ảnh nhỏ nhất tia laser tạo được). Với công nghệ CtF thì cần phải ghi phim tách màu, bình phim thủ công và phơi bản; với công nghệ CtP máy tính điều khiển trực tiếp máy ghi bản tạo ra bản in.
- Cuối cùng, bản in được đưa in để tạo ra tờ in.
Tại sao lại xảy ra dot gain trong quá trình chế bản và in?
Khi một điểm tram truyển từ phim lên bản kẽm rồi truyền lên tấm cao su và cuối cùng truyền lên giấy in, kích thước hình học của nó, tức là giá trị phần trăm tầng thứ (tone value) bị thay đổi do rất nhiều yếu tố tác động. Dot gain của một điểm tram là sự thay đổi tuyệt đối giá trị phần trăm tầng thứ của điểm tram đó. Đường biểu diễn tập hợp các giá trị dot gain gọi là đường cong dot gain (dot gain curve/calibration curve). Đường cong dot gain 26% là đường cong biểu diễn các giá trị dot gain có sự gia tăng tầng thứ cao nhất là 26% tại điểm tram 50%. Tức là nếu điểm ảnh trên dữ liệu chế bản nhận giá trị 50% thì điểm tram đo trên tờ in là 76%.
Có 2 loại dot gain :
  • Dot gain liên quan đến các quá trình phục chế (process-related dot gain)
  • Dot gain do ảnh hưởng quang học (optical dot gain).
Dot gain đo được trên tờ in là tổng hợp 2 loại dot gain.
a) Process-related dotgain
Dot gain loại này là sự thay đổi kích thước hình học điểm tram (thay đổi kích thước thực) trong các công đoạn phục chế. Dot gain xảy ra tại 3 giai đoạn sau :
  • Ghi & hiện phim hoặc ghi & hiện bản CTP.
  • Phơi & hiện bản truyền thống.
  • Trong quá trình in (quá trình tiếp xúc giữa bản – cao su – giấy).
Trong các quá trình chế bản trước in, kích thước điểm tram thay đổi không nhiều và dễ kiểm soát, điều chỉnh. Với bản âm (negative plate), kích thước điểm tram trên bản thường lớn hơn trên phim (tăng tầng thứ); với bản dương (positive plate) kích thước điểm tram trên bản thường nhỏ hơn trên phim (giảm tầng thứ).
Khi in, kích thước điểm tram trên giấy lớn hơn trên bản in rất nhiều (tham khảo bảng tổng hợp dot gain cho công nghệ in cuộn ở cuối bài viết này).
Image
 
b)Optical dot gain
Kích thước hạt tram quan sát hoặc đo được lớn hơn kích thước thực (original size) của chúng do có sự hấp thụ một phần các tia sáng tán xạ xung quanh điểm tram.
Image 
Tại sao phải thực hiện tuyến tính hóa tram in (linearization)?
Việc tuyến tính hóa dễ dàng thực hiện để bù sai lệch tương đối nhỏ về tầng thứ thuộc công đoạn chế bản. Việc tuyến tính hóa đảm bảo kích thước hạt tram (phần trăm) đo được trên phim hay bản bằng giá trị phần trăm tầng thứ của dữ liệu chế bản (input value). Công việc này luôn luôn phải làm trong CtF và CtP.
Tại sao phải thực hiện bù dot gain cho cả quá trình (Process Calibration) trên RIP?
Nếu chúng ta muốn các giá trị tầng thứ trên tờ in đảm bảo dot gain theo một tiêu chuẩn nào đó như ISO 12647-2, ISO 12647-3, PANPA, SWOP… hay tiêu chuẩn nội bộ do ta tự thiết lập, chúng ta cần thực hiện Process Calibration. Lúc này kích thước điểm tram trên bản in không còn tuyến tính theo dữ liệu chế bản nữa, mà nó phải thay đổi phù hợp sao cho trên tờ in đạt giá trị mong muốn. Dĩ nhiên điều kiện in hay các yếu tố ảnh hưởng trên máy in liên quan đến dot gain phải kiểm soát được (ổn định). Trước khi thực hiện Process Calibration, chúng ta phải thực hiện Linearization hệ thống ghi phim hoặc ghi bản.Khi thực hiện Process Calibration, cần phải tính đến các yếu tố sau:
 
  • Vật liệu in (chủng loại giấy)
  • Loại bản in (Positive/Negative, truyền thống/CTP…)
  • Loại tram áp dụng (AM, FM, Hybrid…)
  • Hình dạng hạt tram.
  • Màu in (mực in)
  • Hệ thống ghi phim/ghi bản.
Hiệu chỉnh bù dot gain trên RIP
Việc tuyến tính hóa tram in ở công đoạn chế bản (linearization) thực hiện từ máy tính điều khiển thiết bị ghi hoặc trực tiếp trên máy ghi tùy theo hãng sản xuất hệ thống thiết bị chế bản. Riêng chức năng hiệu chỉnh dot gain trên tờ in ở công đọan chế bản (process calibration) đều thực hiện từ máy tính RIP, sau đây chúng ta gọi chung là chức năng Calibration Manager của RIP.
Calibration Manager kiểm soát và hiệu chỉnh những thay đổi về tầng thứ tram trong các quá trình ghi phim, ghi bản, in.
Calibration Manager thực hiện việc hiệu chỉnh bằng cách thay các giá trị tầng thứ tram gán trong dữ liệu chế bản (input values) bằng các giá trị hiệu chỉnh (calibrated values). Quá trình  này diễn ra trước khi RIP thực hiện tram hóa dữ liệu. 
Chúng ta xem xét quá trình hiệu chỉnh diễn ra trong ví dụ dưới đây :
  • Trên đường dot gain chuẩn, khi trị số tầng thứ điểm tram dữ liệu chế bản là 50%, trị số tương ứng trên tờ in của điểm tram này là 65% (trị số mong muốn).
  • Trong điều kiện thực tế, trị số 65% trên tờ in đạt được khi trị số điểm tram trong dữ liệu chế bản là 47%.
  • Như vậy, đường hiệu chỉnh tầng thứ trên RIP sẽ thay giá trị tầng thứ của điểm tram dữ liệu chế bản từ 50% bằng 47%.
 Image
Khi in nhiều màu, mỗi màu sẽ có sự thay đổi tầng thứ khác nhau với cùng một trị số tầng thứ trên dữ liệu chế bản, vì vậy ta phải xây dựng đường hiệu chỉnh tầng thứ cho từng màu. Ngoài ra, đường hiệu chỉnh tầng thứ còn phụ thuộc loại giấy, loại tram in, hình dạng điểm tram, loại bản in, v.v… Tức là ta phải tạo nhiều đường hiệu chỉnh dot gain theo các điều kiện thực tế. Khi sai lệch tầng thứ vượt mức cho phép của tiêu chuẩn áp dụng, cần chỉnh lại các đường hiệu chỉnh dot gain.
Một số ví dụ về thực hiện tuyến tính hóa (linearization) và bù dot gain in (process calibration) trong chế bản.
 Dot gain theo tiêu chuẩn là 15% 
 
 CtF workflow
Không thực hiện linearization khi ghi phim (tram xuất : 150 lpi)
Không thực hiện linearization khi ghi phim (tram xuất : 150 lpi)
 
 
Thực hiện linearization khi ghi phim (tram xuất : 150 lpi)

Thực hiện linearization khi ghi phim (tram xuất : 150 lpi)
 
CtP workflow  
Không thực hiện process calibration khi ghi bản (tram xuất : 200 lpi)

Không thực hiện process calibration khi ghi bản (tram xuất : 200 lpi)
 
Thực hiện process calibration khi ghi bản (tram xuất : 200 lpi)

Thực hiện process calibration khi ghi bản (tram xuất : 200 lpi)
Dot gain trong in tờ rời và in cuộn sấy nhiệt (heat-set web) theo tiêu chuẩn ISO 12647-2
Image 
Đường biểu diễn dot gain :
Image  
Dot gain trong in cuộn thông thường (cold-set web) theo tiêu chuẩn ISO 12647-3 
Tram in : AM – Elliptical – 100lpi.    Đơn vị : %
 

Image

Đường biểu diễn dot gain :
 Image
(ST)